TẠI SAO KHI ĐI GIÀY CHÚNG TA NÊN ĐI TẤT
"Đi giày mà không đi tất, thì thà đi đất còn hơn"
Đây chỉ là câu nói vui được dân gian truyền bá nhưng nếu xét kĩ về hàm ý trong câu nói chúng ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của đôi tất. Sự thật thì không phải tự nhiên câu nói đầu bài được lưu truyền trong một thời gian dài, và đây là thói quen có thể để lại nhiều hậu quả không mấy tốt đẹp cho cơ thể bạn.
Giới trẻ hiện nay đang nổi lên phong trai đi giày không đi tất vì sợ mất thẩm mĩ. Nhưng thực tế thói quen đó không hề tốt.
Theo các chuyên gia thì một bàn chân đi giày sẽ đổ khoảng nửa lít mồ hôi mỗi ngày (có thể nhiều hơn hoặc ít hơn). Bình thường, phần lớn sẽ được hấp thụ vào đôi tất bạn mang. Nhưng khi không còn tất nữa, mồ hôi sẽ nằm lại giày - thứ đa phần được làm từ những vật liệu khó thoát khí.
Hệ quả là đôi chân của bạn có thể dễ dàng biến thành "nông trại trồng nấm", hay còn gọi là bệnh "chân lực sĩ" (athlete's foot) - một dạng nấm bàn chân. Đó là chưa kể đến mùi hương... nồng nàn mỗi khi cởi giày ra nữa cơ.
Nhiều loại giày được làm bằng chất liệu tổng hợp kém chất lượng sẽ khó thoáng khí. Việc giữ hơi ẩm ở một môi trường kín và nóng như vậy sẽ khiến vi khuẩn phát triển siêu nhanh khiến căn bệnh nấm da chân ngày càng nặng và khó chữa trị.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Việc đi giày không mang tất sẽ làm tăng lực ma sát giữa da chân và giày, dễ gây phồng rộp, tạo chai chân. Nếu như tạo thành những vết xước da, bạn thậm chí còn có nguy cơ nhiễm trùng.
Cách khắc phục :
- Nhớ chăm sóc đôi chân của bạn kĩ càng sau 1 ngày dài đi giày
- Nếu bạn ngại đi những đôi tất truyền thống kém thẩm mỹ. hãy tìm mua cho mình loại tất tới cổ chân hoặc nửa bàn chân.
- Không đi một đôi giày liên tục trong vòng 1 tuần.
- Sử dụng gói chấm ẩm hoặc túi trà khô để hút phần ẩm trong giày sau khi mang cả ngày dài
- Nhớ rửa sạch và làm khô chân trước khi xỏ giày và làm lại điều đó khi cởi giày ra.